“Cơn khát” vô hình và khó định lượng của khách trẻ về một không gian sống “chất” hay có “gu” đã lọt vào tầm ngắm để doanh nghiệp nội thất.
Chi hơn 2,3 tỷ đồng mua căn hộ 74m2 ở Bình Thạnh (TP HCM), chị Thanh Mai bỏ ra thêm 400 triệu đồng để làm nội thất theo ý tưởng phòng khách phong cách biển cả và nhà tắm phong cách nhiệt đới. Tuy nhiên, ở được 10 tháng, chị Mai lại đi dò la một nhà thầu mới để sửa nội thất.
“Vì cũng nôn nóng dọn vào ở nên khi nhận nhà dù chưa ưng lắm tôi vẫn nghiệm thu. Càng ở càng thấy bức tường sau sofa và các tủ đặt TV dù sơn tông xanh nhưng tổng thể vẫn không ra nét ‘biển cả’ gì hết”, chị Thanh Mai cho biết.
Trong khi đó, chấp nhận đợi 1,5 năm để khi còn là dự án, anh Du Khang cuối cùng cũng tậu được căn nhà 55 m2 với giá chỉ 1,2 tỷ tại quận 8 (TP HCM). Giá căn nhà giờ đã lên hơn 1,6 tỷ đồng. Tính ra, anh tiết kiệm được tầm 400 triệu như ý muốn vì tài chính giới hạn.
Tuy nhiên, khi nhận nhà, anh không ngại chi 180 triệu đồng để làm nội thất cho phòng khách, bếp và một phòng ngủ dù chủ đầu tư bàn giao nội thất cơ bản. “Nhà xa trung tâm cũng được nhưng nội thất phải đúng ý mình thì mới sống thoải mái. Tôi tự lên thiết kế tổng thể rồi đặt làm từng món theo đúng ý và chất liệu mong muốn”, anh nói.
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh – Công ty thiết kế Mia nhận định, với nội thất cũng như không gian sống, khách hàng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang thể hiện họ có thị hiếu rất riêng. Trong đó, ngoài tính thẩm mỹ, công năng thì yếu tố “xanh” là nhu cầu được đặt lên hàng đầu. Nghiên cứu từ Neilsen ghi nhận, thế hệ thiên niên kỷ (Millennial) cũng như phần lớn người dùng hiện nay đều hướng tới cuộc sống đề cao sự độc đáo của mỗi bản thể.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM xác nhận, phân khúc nội thất cho nhà nhỏ đô thị đang khá nóng tại Việt Nam. Khách hàng chính là người trẻ, sinh trong giai đoạn 1980-2000.
Khác với thế hệ trước, thích tủ giường đơn lẻ, bền đẹp trăm năm, người trẻ chuộng các gói nội thất tổng thể, mang phong cách phù hợp với quan điểm thẩm mỹ riêng. Họ xem nội thất phục vụ cuộc sống chứ không phải tài sản truyền đời, nên hàng chỉ cần bền chục năm là được. Đó cũng là lý do kiểu nội thất như IKEA thịnh hành ở nước ngoài.
“Chỉ cần tập trung phục vụ cho nhóm này thôi cũng rất nhiều cơ hội. Tôi ước chừng họ chỉ chiếm đâu đó 15% trong tổng số khách hàng nhưng sức mua của họ phải chiếm đến 30-40%”, ông Phương nói.
Thị trường đang thật sự chuyển động, từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà thiết kế, nhà sản xuất. Không thiếu bất kỳ chủng loại gỗ thời thượng quốc tế nào của Đức, Mỹ, Pháp, Nhật, Canada hay New Zealand… tại trung tâm phân phối gỗ hợp pháp lớn nhất Việt Nam vừa hoạt động ở Đồng Nai giữa tháng trước. Theo đơn vị vận hành là Tavico, trung tâm này nhằm đáp ứng tăng trưởng thị trường nội thất xuất khẩu lẫn trong nước. Thị trường nội thất và nhà gỗ Việt Nam có quy mô 4 tỷ USD, được dự đoán sẽ đạt 5-7 tỷ USD đến năm 2025.
Không chỉ tăng về quy mô, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch công ty nội thất nói người Việt đang rất quan tâm và đòi hỏi ngày một cao hơn với sản phẩm. “Tôi cho rằng ‘ăn chắc mặc bền’ vốn không phải là phong cách của người Việt. Nó là một tiềm thức từ giai đoạn khó khăn. Giờ cuộc sống khá hơn nên họ được thể hiện phong cách. Phong cách phải là sự chọn lựa”, ông nói.
Ông Phương cho biết công ty ông đang hoàn tất những khâu cuối cùng để tổ chức Vifa Gu, một triển lãm phong cách sống và giải pháp trọn gói cho không gian nội thất vào tháng 5/2019, lần đầu tiên hội tụ các “stylist” nội thất trong và ngoài nước tầm cỡ. Đây cũng không phải nơi bán hàng mà để doanh nghiệp trong ngành khoe tài, chứng tỏ đẳng cấp, mang đến cái nhìn tổng thể về năng lực kiến tạo không gian sống cho người Việt.
“Chúng tôi không định bán bất kỳ món hàng giảm giá, mẫu cũ nào tại sự kiện tới. Chúng tôi sẽ mang đến những bộ sưu tập mới nhất, chưa từng bán tại showroom”, ông Lý Quí Trung – Tổng giám đốc kinh doanh nội thất tỏ ra hào hứng như sẽ tham gia vào một ‘tuần lễ thời trang’ của ngành nội thất. Ông Trung cũng chính là người sáng lập thư viện kiến trúc mô hình quản trị tư nhân hoàn toàn miễn phí đầu tiên ở Việt Nam.
Cuộc triển lãm mang âm hưởng “đấu xảo” chỉ là bước đầu. Ông Khanh nói năng lực doanh nghiệp Việt Nam không thiếu nhưng đang thiếu một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thực tế, đã có doanh nghiệp Việt bước được đến phân khúc cao nhất, thắng thầu và hoàn thiện nhiều dự án quốc tế, có tiêu chuẩn 5, 6 “sao” tại Việt Nam cũng như thế giới, chứ không còn chỉ biết bán chiếc tủ, chiếc bàn đơn lẻ.
“Chỉ tiếc là thị trường trong nước hiện vẫn chưa tạo được hệ sinh thái cần thiết để có thể phát triển kinh doanh không gian nội thất. Nghĩa là, nhà sản xuất nội thất vẫn chưa gặp được các đơn vị thiết kế và kinh doanh bất động sản để đáp ứng nhu cầu người dùng một cách trọn vẹn nhất”, ông Khanh nói.
Nguồn vnexpress