Home / Việc Làm Vui / “Công thức” tạo nên một thầy giáo – nhà thiết kế nội thất tài ba

“Công thức” tạo nên một thầy giáo – nhà thiết kế nội thất tài ba

“Lãng mạn như một nhà thơ và chính xác như một nhà toán học” – Đó là điều dễ nhận thấy ở thầy Trần Minh Hiếu – Trưởng ngành nội thất của UniDesign và có lẽ cũng chính là “công thức” tạo nên một nhà thiêt kế nội thất tài ba như thầy.


Quá trình “khổ luyện thành tài”

Sau khi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, thầy Trần Minh Hiếu đã quyết tâm sang Pari học tập. Sau 1 năm học tiếng, thầy thi vào Trường Nội thất Ecole Superieur d’Architecture de Paris La Villette – một trong 3 trường kiến trúc danh giá của Pháp nổi tiếng và châu Âu nói chung, nhưng do khả năng tiếng Pháp chưa tốt nên thầy không đủ điểm vào trường.

Tuy nhiên, do khát khao học quá lớn, thầy đã đến gặp BGH nhà trường cho dự thính lớp học. “Người học trò Mạc Đĩnh Chi” thời hiện đại ấy lên lớp rất chăm chỉ, luôn đi sớm, về muộn và được các giảng viên đánh giá cao.

Năm thứ 2 thi lại, thầy vẫn thiếu 1 điểm của môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, do được các giảng viên trong trường yêu quý nên thầy đã có bức thư giới thiệu và chính thức được vào trường học. Tự hào hơn khi thầy là sinh viên Việt Nam thứ 2 trong trường.

Hồi tưởng lại quá trình học tập, thầy Hiếu chia sẻ lại những tháng ngày khắc nghiệt ấy. Được đào tạo với sự đào thải rất khắt khe, không nhiều sinh viên có thể “bám trụ” đến năm cuối đại học. Nhưng quá trình thầy học thạc sĩ mới vất vả hơn cả. Bài bảo vệ cuối cùng, thầy phải “đập đi, xây lại” nhiều lần. Và cuối cùng, nhờ bài bảo vệ chi tiết đến từng con phố ấy mà thầy đã trở thành thủ khoa trong khóa học thạc sĩ “Ứng dụng thực tế trong Quy hoạch và Quản lý dự án” (2009-2011) của mình.

Đi dạy để “tìm nhân sự”

Trở về Việt Nam, thầy mở công ty Nội thất AGS – một công ty vừa đảm nhận thiết kế vừa đảm nhiệm thi công kiến trúc nội thất với thế mạnh là mảng nội thất cho cửa hàng, quán café, khách sạn, chung cư, biệt thự. Bên cạnh đó thầy còn là giám đốc điều hành của một công ty thiết kế đồ họa và quảng cáo truyền thông.

Tâm sự về lí do trở thành giảng viên của Trường Đào tạo Quốc tế Unidesign, thầy nói: “Với tôi, giáo dục không phải một thứ sinh lời về tiền bạc nhưng nó lại sinh ra một thứ rất lời khác – đó là nhân sự. Bởi trong quá trình đào tạo, tôi sẽ chọn ra được những sinh viên giỏi, có thể đáp ứng được yêu cầu và hiểu đúng ý tôi. Khi làm nhân viên của tôi, tôi sẽ không mất thời gian và tiền bạc để đào tạo lại từ đầu đồng thời có thể giữ chân được những người giỏi làm việc cho mình. Bên cạnh đó, tôi cũng tạo điều kiện cho các anh em trong công ty tôi cùng tham gia giảng dạy, vô hình chung đó là một cách kiếm thêm thu nhập, đẩy cao lương của họ.”
Giáo trình dành cho sinh viên của UniDesign do chính thầy biên soạn, được tổng hợp từ kiến thức và kinh nghiệm mà thầy học được từ nước Pháp. Tuy nhiên, giáo trình dành cho các bạn sinh viên Việt Nam nên có phần nhẹ hơn, phù hợp bối cảnh và có sự hướng dẫn nhiều hơn.

Không chỉ là những kiến thức hàn lâm với lý thuyết khô khan, khó nhớ; thầy luôn có những bài tập cụ thể để kích thích trí tưởng tượng và khả năng tư duy của các bạn trẻ. Ví dụ một bài tập của thầy: Với một căn phòng trống, làm sao để thể hiện sự linh thiêng mà không có bất kì biểu tượng của tôn giáo nào ở trong đó? Câu trả lời đơn giản là: Chỉ cần một tia sáng cắt qua rãnh trần, hoặc một lối đi thấp vào căn phòng, trong đó có một khoảng không òa sáng – đó là sự linh thiêng, đó là chất thiền, đi sâu vào khoảng lặng nội tâm của con người.

Thầy cho rằng: “Cách dạy của tôi là tìm hiểu từng con người để phát huy điểm mạnh. Trong ngành nội thất không phải vẽ đẹp, làm ảnh 3D đẹp đã là nhà thiết kế giỏi. Có những người chỉ có kĩ năng vẽ cơ bản nhưng rất nhanh nhạy về vật liệu, lập kế hoạch, lập dự toán. Thường những việc ấy không một ngôi trường nào dạy, chỉ có cuộc đời dạy thôi. Tuy nhiên, tôi muốn đào tạo sinh viên của mình thành những người thực tế, học để làm; nên tôi sẽ truyền cho họ cả những kinh nghiệm cơ bản nhất. Đôi khi chỉ cần nửa câu mặc cả dây điện, ống nước, chúng ta đã có thể tiết kiệm cho công trình rất nhiều tiền.”

Tiêu chuẩn nào cho nhà thiết kế nội thất?

Để đến với nghề thiết kế nội thất, điều quan trọng nhất là Niềm đam mê, sự bền bỉ. Đừng vì một buổi quay phim thấy vui, hay việc thiết kế một logo thấy nhanh… mà bỏ nghề nội thất để chạy theo những công việc khác. Điều cần thiết thứ 2 là Năng khiếu vẽ. Tuy nhiên, nó không phải một thứ quyết định vì có thể đào tạo được. Điều thứ 3 là Gu thẩm mĩ – một thứ rất cần nhưng có thể định hướng, thay đổi được. Đó là những tiêu chuẩn mà thầy Minh Hiếu cho rằng một nhà thiết kế nội thất cần phải có.

Trên trang facebook của mình, thầy Hiếu vẫn thường chia sẻ những sản phẩm của mình và cảm xúc khi hoàn thành nó: “Hạnh phúc với ta là cứ mỗi cuối tuần, được lang thang ghé thăm từng công trình mà mình đã và đang làm, lắng nghe và tâm sự với khách hàng, những câu chuyện hình thành nên nó, đọng lại từng chi tiết, đôi khi là ứa nước mắt vì sung sướng. Mỗi công trình như một cuộc phiêu lưu. Đối với mình cuộc phiêu lưu đó sắp qua, đối với khách hàng cuộc phiêu lưu đó chỉ mới bắt đầu.”. Có lẽ tình yêu với nghề nội thất của thầy quá lớn, để mỗi sản phẩm đều là máu thịt, là đứa con thầy dốc cạn tinh thần để sinh thành.

“Nghề nội thất đang phát triển mạnh mẽ bởi dân ta đã không còn tư duy thuần nông kiểu “nhà tự đo, tự dựng, tự xây” như trước. Cơ hội mở ra nhiều nhưng cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu sẽ càng ngày càng khắt khe, nâng cao hơn. Lãng mạn như một nhà thơ và chính xác như một nhà toán học – đó là “công thức” tạo nên một nhà thiêt kế nội thất tài ba.” – Thầy Hiếu gửi gắm đến các bạn trẻ hứng thú với ngành nội thất.

Nguồn dantri

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

Ông chủ nội thất tự phục vụ chia sẻ bí quyết marketing 0 đồng

Không chỉ sở hữu chuỗi 10 cửa hàng nội thất tự phục vụ trên địa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *